Đăng bởi PC Lâm Đồng | 13:44 | 27/10/2021
Thực hiện Quyết định số 13/2020/Q6Đ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 về việc “Quy định hệ thống điện phân phối” và Thông tư 30/2019/TT-BCT ngày 18/11/2019 về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện truyền tải và Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối” của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Căn cứ văn bản số 5644/EVN SPC-KT ngày 07 tháng 7 năm 2020 của Tổng công ty Điện lực miền Nam về việc hướng dẫn trình tự thỏa thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN đấu nối vào lưới điện trung áp;
Căn cứ văn bản số 5982/EVN SPC-KT ngày 16 tháng 7 năm 2020 của Tổng công ty Điện lực miền Nam về việc thực hiện đấu nối, giải tỏa công suất điện mặt trời mái nhà và hướng dẫn tạm thời các vướng mắc điện mặt trời mái nhà;
Công ty Điện lực Lâm Đồng hướng dẫn trình tự, thủ tục để nhà đầu tư dự án ĐMTMN triển khai thực hiện dự án điện mặt trời mái nhà như sau:
1. Xác định hệ thống điện mặt trời mái nhà:
a) Hệ thống ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW (căn cứ trên tổng công suất các bộ inverter của hệ thống), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.
b) Các hệ thống điện mặt trời không đáp ứng điều kiện tại mục a nêu trên không thuộc phạm vi áp dụng của hướng dẫn này.
2. Nguyên tắc thực hiện thỏa thuận đấu nối ĐMTMN nối lưới trung áp:
- Thực hiện thỏa thuận đấu nối cho toàn bộ hệ thống ĐMTMN có công suất nhỏ hơn 100 kW khi các nhà đầu tư thực hiện đăng ký đấu nối;
- Khả năng đấu nối công suất ĐMTMN được xem xét trên cơ sở không gây quá tải đường dây/MBA trung hạ áp, khả năng hấp thụ công suất trên đường dây để đảm bảo phát tối đa công suất lắp đặt ĐMTMN và đảm bảo điện áp tại điểm đấu nối khách hàng trong ngưỡng cho phép là + 5% theo quy định của Thông tư 30/2019/TT-BCT ngày 18/11/2019.
- Đối với các tuyến đường dây không còn khả năng đấu nối, thực hiện thỏa thuận đấu nối với mức công suất theo nhu cầu sử dụng điện của nhà đầu tư ĐMTMN để tiêu thụ tại chỗ.
3. Trình tự thủ tục thỏa thuận đấu nối ĐMTMN nối lưới trung áp
* Bước 1: Đăng ký nhu cầu lắp đặt ĐMTMN
- Khuyến nghị các nhà đầu tư thực hiện đăng ký nhu cầu công suất lắp đặt ĐMTMN với CTĐL/ĐL trước khi thực hiện đầu tư để được khảo sát về khả năng đấu nối vào lưới điện của dự án nhằm đảm bảo hiệu quả khi đầu tư dự án. Khi đăng ký nhu cầu, nhà đầu tư cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt của dự án ĐMTMN, mã khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang mua điện) để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.
- Sau khi xem xét khả năng đấu nối của lưới điện, trường hợp lưới điện đủ khả năng đấu nối, CTĐL/ĐL sẽ có văn bản chấp thuận chủ trương quy mô công suất của dự án ĐMTMN để nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện đầu tư. Trường hợp lưới điện hiện hữu chưa đáp ứng về công suất đấu nối của dự án ĐMTMN: Có văn bản thông báo cho nhà đầu tư về việc lưới điện không còn khả năng tiếp nhận công suất phát lên lưới điện của dự án. Đối với các tuyến đường dây trung áp không còn khả năng đấu nối ĐMTMN, CTĐL/ĐL sẽ thực hiện thỏa thuận đấu nối với mức công suất theo nhu cầu sử dụng điện của nhà đầu tư ĐMTMN để tiêu thụ tại chỗ.
* Bước 2: Khách hàng gửi hồ sơ để thỏa thuận đấu nối ĐMTMN
Bộ hồ sơ đề nghị để thỏa thuấn đấu nối hệ thống ĐMTMN gửi đến ĐL gồm các hồ sơ như sau:
1. Trường hợp các dự án ĐMTMN có các tấm pin quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hiện hữu (như nhà ở, nhà xưởng, khu công nghiệp,…), thực hiện như quy định tại Điều 43 của Thông tư 39/2015/TT-BCT và Khoản 14 Điều 2 của Thông tư 30/2019/TT-BCT. Cụ thể hồ sơ đề nghị đấu nối ĐMTMN nối lưới trung thế của khách hàng bao gồm các hồ sơ sau:
+ Giấy đề nghị bán điện;
+ Trường hợp nhà đầu tư thuê, mượn mái nhà của khách hàng sử dụng điện (chủ sở hữu mái nhà) để lắp đặt và bán điện từ dự án ĐMTMN (công suất lắp đặt nhỏ hơn 01 MW) : nhà đầu tư cung cấp bản sao hợp đồng cho thuê hoặc giấy cho mượn mái nhà của chủ sở hữu mái nhà trong đó chủ sở hữu mái nhà đồng ý cho CĐT được trực tiếp ký hợp đồng bán điện từ dự án ĐMTMN cho EVN qua công tơ mà chủ sở hữu mái nhà đang mua điện từ EVN hoặc qua công tơ đo đếm riêng;
+ Bản vẽ, sơ đồ mô tả chi tiết điểm đấu nối và các thuyết minh có liên quan;
+ Sơ đồ nguyên lý các thiết bị điện chính sau điểm đấu nối bao gồm: Hồ sơ thiết kế công trình đường dây và trạm biến áp nâng áp 0,4/22 kV; hồ sơ thiết kế hạng mục dự án lắp đặt ĐMTMN;
+ Tài liệu kỹ thuật về các trang thiết bị dự định đấu nối hoặc các thay đổi dự kiến tại điểm đấu nối hiện tại, thời gian dự kiến hoàn thành dự án, số liệu kỹ thuật của dự án đấu nối mới hoặc thay đổi đấu nối hiện tại. Trong đó, bao gồm tài liệu kỹ thuật về tấm pin quang điện, bộ inverter (bộ biến đổi điện xoay chiều).
+ Bộ hồ sơ khách hàng đề nghị mua điện theo quy định (nếu tại điểm đấu nối ĐMTMN chưa có hợp đồng mua điện với Điện lực);
2. Trường hợp các dự án ĐMTMN có các tấm pin quang điện được lắp đặt trên mái che nông nghiệp của các dự án trang trại sản xuất nông nghiệp, ngoài các hồ sơ tại mục 1 Bước 2, nhà đầu tư cần bổ sung thêm các hồ sơ sau:
+ Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư dự án sản xuất nông nghiệp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Giấy phép xây dựng của công trình xây dựng (có lắp đặt pin trên mái che nông nghiệp) phục vụ sản xuất nông nghiệp tại trang trại (hoặc văn bản ý kiến về trường hợp miễn giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền);
* Bước 3: Thỏa thuận đấu nối
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị mua bán điện từ dự án ĐMTMN, Điện lực có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, thỏa thuận đấu nối dự án ĐMTMN. Trường hợp hồ sơ chưa đảm bảo về thủ tục pháp lý (đối với các dự án ĐMTMN tại trang trại nông nghiệp) hoặc chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, Điện lực thông báo đến nhà đầu tư để hiệu chỉnh, bổ sung hoặc thay thế theo yêu cầu và thực hiện thoả thuận lại với Điện lực.
* Bước 4: Kiểm tra điều kiện đóng điện điểm đấu nối:
Sau khi hoàn tất thi công lắp đặt hệ thống ĐMTMN và TBA nâng áp đảm bảo đúng quy định về định nghĩa dự án ĐMTMN theo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/04/2020 và đúng với hồ sơ thiết kế, nhà đầu tư có trách nhiệm cung cấp hồ sơ phục vụ kiểm tra tổng thể điều kiện đóng điện điểm đấu nối cho Điện lực, biên chế hồ sơ theo quy định tại Điều 47 của Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015. Sau khi nhận đủ hồ sơ, Điện lực phối hợp với nhà đầu tư thực hiện kiểm tra điều kiện đóng điện điểm đấu nối.
Trong trường hợp dự án ĐMTMN đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật theo Điều 40 của Thông tư 39/2015/TT-BCT ngày 18/11/2015 và Thông tư 30/2019/TT-BCT ngày 18/11/2019 (đặc biệt kiểm tra tính năng tự ngắt kết nối của hệ thống điện mặt trời khi xảy ra mất điện của lưới điện phân phối để đảm bảo không có điện phát ngược lên lưới khi thực hiện bảo trì, bảo dưỡng thiết bị trên lưới điện), Điện lực ký biên bản xác nhận đủ điều kiện đóng điện điểm đấu nối.
Trường hợp điểm đấu nối hoặc trang thiết bị liên quan đến điểm đấu nối của nhà đầu tư chưa đủ điều kiện đóng điện thì nhà đầu tư phải hiệu chỉnh, bổ sung hoặc thay thế theo yêu cầu của Điện lực và tiến hành kiểm tra lần sau.
* Bước 5: Đóng điện điểm đấu nối:
Sau khi có biên bản kiểm tra điều kiện đóng điện điểm đấu nối, khách hàng gửi văn bản đề nghị đóng điện điểm đấu nối. Điện lực thực hiện lắp công tơ mua bán điện 2 chiều, ký kết hợp đồng mua bán điện và thực hiện đóng điện điểm đấu nối theo quy định từ Điều 46 đến Điều 51 Thông tư 39/2015/TT-BCT, Khoản 18 Điều 2 Thông tư 30/2019/TT-BCT ngày 18/11/2019.
Lưu ý thực hiện các hạng mục kiểm tra ban đầu khi đấu nối và trong quá trình vận hành hệ thống ĐMTMN của khách hàng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Thông tư 39/2015/TT-BCT, Điều 2 Thông tư 30/2019/TT-BCT như phụ lục 1 đính kèm.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng