Đăng bởi Viết Hòa ( PXTĐ Suối Vàng). | 06:40 | 01/10/2012
Hồ Đankia – Suối Vàng là một trong những nguồn tài nguyên nước quí giá của Tỉnh Lâm Đồng bởi thực tế nó đã được người Pháp phát hiện và khảo sát xây dựng thành đập thủy điện từ thập niên 1940 phục vụ cho nhà máy thủy điện Ankroet là nhà máy thủy điện cổ nhất Việt Nam hiện nay vẫn đang hoạt động.
Hồ có thiết kế với sức chứa 20 triệu m3 nước. Dự án cấp nước cho thành phố Đà Lạt từ hồ Đankia với sự viện trợ của chính phủ Đan Mạch đã được khảo sát từ năm 1975. Cho đến năm 1984 nhà máy nước Đan Kia khánh thành đi vào hoạt động .
Việc xây dựng, khảo sát hồ Đan Kia Đây với mục tiêu cấp nước sạch tối đa 25 nghìn m3/ ngày cho thành phố Đà Lạt và phụ cận. Với những lợi ích lớn cho cộng đồng như vậy, năm 2012 nhà máy nước Đankia 2 ra đời với mục tiêu “Vì nước là sự sống”nhằm tăng cường cấp nước cho Đà Lạt. Với công suất bơm tối đa lên đến 40 nghìn m3/ ngày, vùng hồ cũng đang được UBND Tỉnh Lâm Đồng giao cho Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà khai thác nhằm phục vụ cho các dự án du lịch…
Thiên nhiên và lịch sử đã cho chúng ta một nguồn nước để khai thác sử dụng tuy nhiên hiện nay với xu hướng phát triển của xã hội, việc tác động xấu đến môi trường rừng, lưu vực và lòng hồ Đan kia đáng được báo động.
Hiện tượng rừng và thảm thực vật vùng đệm bị suy giảm do nhiều nguyên nhân và yếu tố như dân cư phát triển, do canh tác nông nghiệp phát triển ồ ạt tại khu vực thượng lưu và ven hồ trong đó có cả việc lấn chiếm vào lòng hồ để canh tác. Với sự tác động xấu như vậy, chất lượng nguồn nước hồ Đan Kia đã bị ô nhiễm rất nhiều.
Không cần phải có những con số của các nhà chuyên môn phân tích chất lượng nước hồ Đan Kia mà chỉ nhìn những vật thải trôi nổi trên mặt hồ như xốp cấy mô, chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng…cũng đã rùng mình. Bên cạnh đó, sự bồi lắng lòng hồ do phù sa đất màu trôi rửa cũng đã tác động rất nghiêm trọng dung tích hữu ích của hồ và giảm đáng kể công năng hữu ích cũng như việc khai thác nước và phòng tránh lũ cho hạ lưu.
Đây là một tín hiệu xấu đáng báo động cho môi trường đối với vùng hồ chứa nước như hồ Đankia có nhiều nhiệm vụ phục vụ tại địa phương không chỉ vận hành thủy điện mà đặc biệt đó là nguồn cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm nghìn người thành phố Đà Lạt sử dụng, và khai thác kinh doanh du lịch.
Bài viết này với những hình ảnh thực tế mới nhất với mong muốn kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay hành động để bảo vệ một nguồn nước quí của chúng ta đang sử dụng thiết thực hàng ngày nhưng đã bị một số người vì lợi ích trước mắt, cục bộ đã vô tình tác động xấu đến nó, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung, lâu dài của cả cộng đồng.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng địa phương cần tuyên truyền vận động và có biện pháp trong việc thu gom xử lý đúng các loại rác thải nông nghiệp của các hộ canh tác nông nghiệp tại khu vực thượng lưu hồ đồng thời cùng các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng, lòng hồ, các đơn vị sử dụng khai thác vùng hồ cần phối hợp tích cực và có biện pháp kịp thời, mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ và ngăn chặn các hiện tượng lấn chiếm và tác động tiêu cực đến môi trường rừng, lòng hồ thuộc lưu vực hồ Đankia để giữ được nguồn nước sạch quí giá phục vụ cho các mục tiêu kinh tế xã hội, dân sinh của địa phương trước mắt và về lâu dài.
Thuốc BVTV là một trong các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường. Là một trong các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường sống vì: Theo nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, khi phun thuốc BVTV để trừ dịch hại ngoài đồng ruộng thì chỉ có 5 - 7% lượng thuốc tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu diệt dịch hại, còn 93 – 95% bị rửa trôi vào nguồn nước, thẩm thấu vào đất canh tác gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và tiêu diệt các loài vi sinh vật có ích. Mặt khác, khi phun, thuốc bị khuếch tán vào trong không khí và nhờ gió và mưa sẽ di chuyển đến nhiều vùng khác nhau.
Thuốc BVTV để lại dư lượng trong các sản phẩm nông nghiệp gây nguy hiểm tới sức khoẻ người tiêu dùng. Dư lượng các loại thuốc BVTV ngày càng cao trên các loại nông sản, ảnh hưởng càng nguy hại tới sức khoẻ con người. Theo thống kê của Viện bảo vệ thực vật: Nếu như cả nước ta năm 1990 đã sử dụng 10 nghìn tấn thuốc BVTV thì đến năm 2003 lượng thuốc BVTV đã sử dụng tăng lên 45 nghìn tấn và vào năm 2005 cả nước đã sử dụng 50 nghìn tấn thuốc BVTV trong một năm. Đây thực sự là con số nguy hiểm cần báo động.
Một số hình ảnh :
Lòng hồ ngày càng bị thu hẹp với nhiều yếu tố có thể kiểm soát được, nhưng....
Nhà của người dân được cất tạm bợ ngay trong lòng hồ để trồng và canh tác hoa, rau ...
Công nhân nhà máy thủy điện Suối Vàng thường xuyên vớt và xử lý rác tại các hồ Dankia và Ankroet để không ảnh hưởng đến việc lấy nước vận hành thủy điện.
Và đây là lượng rác vớt được từ nguồn nước sinh hoạt của người dân thành phố Đà Lạt
Rác chủ yếu là "sản phẩm nông nghiệp", không thể tưởng tượng đây là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân thành phố Đà Lạt.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng