Đăng bởi Thiên Phương, P.TTBVPC. | 08:39 | 30/08/2012
Theo thống kê sử dụng năng lượng thương mại của nước từ năm 1999 - 2006, sử dụng năng lượng tăng 12.4%/năm trong khi GDP chỉ tăng 7.2%.
Hệ số đàn hồi sử dụng năng lượng/ GDP là 1.7. Cường độ năng lượng của nền kinh tế Việt Nam tăng từ 387kgoe/US$1000 của GDP năm 1998 lên 569 kgoe/US$1000 của GDP năm 2006. Tiêu thụ công nghiệp và dân dụng là hai đối tượng sử dụng điện chủ yếu của nước ta hiện nay, trong đó công nghiệp chiếm 48% trong khi dân dụng chiếm 43%, thương mại chiếm 9% của tổng tiêu thụ.
Hiệu suất sử dụng năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt từ 28% - 32% thấp hơn các nước phát triển khoảng 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 20%; Năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia 1.5 – 1.7 lần. Tỉ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của nước ta đến gần 2 lần.
Tính toán cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp, sản xuất xi măng, … có thể đạt trên 20%; xây dựng, giao thông vận tải trên 30%, Sinh hoạt và dịch vụ cũng có tiềm năng tiết kiệm điện không nhỏ.
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các lĩnh vực nói chung trong thời gian gần đây đang trở nên cấp thiết, đem lại nhiều lợi ích thiết thực: tiết kiệm năng lượng đã giảm được chi phí cho doanh nghiệp, giảm tốc độ phát triển nguồn năng lượng mới, giảm mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP.
Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội nhiệm kỳ XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, là mốc quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đồng thời nâng cao quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng trong đơn vị phục vụ chiếu sáng công cộng, Công ty cổ phần công trình đô thị Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động phối hợp cùng Công ty tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng thuộc Sở Công Thương tiến hành đo đạc, khảo sát, thu thập dữ liệu về sử dụng điện trong chiếu sáng công cộng của thành phố Bảo Lộc.
Trên cơ sở đó, thiết kế chọn lựa thiết bị và triển khai lắp đặt một mô hình chiếu sáng công cộng tiết kiệm năng lượng góp phần vào việc thực hiện chủ trương tiết kiệm, bảo vệ an ninh năng lượng cũng như bảo vệ môi trường theo yêu cầu của chương trình mục tiêu quốc gia.
Toàn thành phố Bảo Lộc có chiều dài đường đã được chiếu sáng là 90(km), số lượng đèn chiếu sáng 3.204 bộ, trong đó có 1.640 bộ đèn cao áp và 1.564 bộ đèn compact, có tổng công suất là 488.2(KW).
Với thời gian vận hành bình quân 8.5 giờ/ ngày. Tổng điện năng tiêu thụ bình quân cho chiếu sáng công cộng trong 12 tháng là 959.390(KWh) tương đương chi phí trên 1,3 tỉ đồng. Đây là con số khá lớn được lấy từ nguồn kinh phí ngân sách. Chính vì thế, vấn đề tiết kiệm điện là một bài toán cần có đáp số ngay.
Sau khi tiến hành xem xét 03 loại thiết bị tiết kiệm điện hiện có trên thị trường, đơn vị quyết định chọn bộ điều khiển công suất. So với các thiết bị khác, bộ điều khiển công suất có nhiều điểm ưu việt như giá cả, tuổi thọ…và điều quan trọng hơn là tiết kiệm tối đa lượng điện tiêu thụ.
Tuyến đường 28/3 nối từ quốc lộ 20 vào khu trung tâm hành chính của thành phố Bảo Lộc được chọn làm mô hình thí điểm trong việc tiết kiệm năng lượng của thành phố.
Tuyến đường dài 0.7(Km), với 59 bộ đèn, được chiếu sáng liên tục từ 18h hôm trước đến 05h sáng hôm sau ; chủng loại Sodium cao áp 250(W).
Kết quả đo tại 01 vị trí tủ điện cấp điện cho 21 bộ đèn hiện hữu cho thấy tổng công suất tiêu thụ: 5.25(KW), ghi nhận từ 18h – 05 h sáng hôm sau sản lượng điện tiêu thụ là 67.2 (KWh).
Độ rọi ngang (lux) đo được trên mặt đường theo ô lưới giữa 02 trụ đèn lớn nhất 27(lux), nhỏ nhất 05(lux), độ đồng đều 0.2, độ rọi trung bình 12.8(lux). Như vậy theo tiêu chuẩn của quốc gia QCVN 07-2010/BXD đối với đường có giải phân cách trong đô thị thì độ rọi trung bình hiện hữu đạt 170% so với tiêu chuẩn là 7.5(lux).( Trên thực tế chao đèn bằng nhựa, qua thời gian sử dụng bị mờ đục nên độ rọi đã bị suy giảm).
Từ thực tế trên, chỉ cần gắn 20 bộ đèn Sodium có tổng công suất 5(KW), tương đương 2,545(W)/ bóng là đủ.
Sau khi tiến hành lắp đặt 20 bộ điều khiển công suất cho 20 trụ đèn, kết quả ghi nhận: Tổng công suất tiêu thụ 4.69 (KW), ghi nhận từ 18h – 05h sáng hôm sau sản lượng điện tiêu thụ là 58.2(KWh); Độ rọi ngang đo được trên mặt đường theo ô lưới giữa 02 trụ đèn lớn nhất 15(lux), nhỏ nhất 01(lux), độ đồng đều 0.06, độ rọi trung bình 5.75(lux).Độ rọi trung bình đạt 76% so với tiêu chuẩn, thời điểm người đi đường thưa thớt nên chấp nhận được.
Hiện tại do kinh phí giới hạn, sau khi loại bớt 07 bộ đèn 250(W) và 02 đèn compact lân cận, lắp đặt 14 bộ đèn trên cùng khu vực, được giám sát hoạt động bởi bộ điều khiển tiết kiệm cũng với thời gian như nhau có tổng công suất tiêu thụ: 2.698 (KW), mỗi bộ đèn là: 0.1927 (KW), Công suất tiết kiệm được là: 0.2545-0.1927 = 0.0617(KW)/đèn, tương đương 24.26% công suất điện năng tiêu thụ tại tủ điện nói trên tiết kiệm được: 67.2 – 58.2 = 9 (kWh)/ngày.
Kết quả trên cho thấy, trước khi có bộ điều khiển công suất, tủ điện tiêu thụ 1.972 (kWh)/tháng và sau khi có bộ điều khiển công suất, tủ điện tiêu thụ 1.652 (kWh)/tháng.
Như vậy hệ thống điều khiển công suất lắp đặt đã đạt được hiệu quả tiết kiệm năng lượng, vẫn bảo đảm quang năng cho yêu cầu lưu thông. Ước tính nếu đầu tư toàn bộ 1.640 bộ đèn, với tổng chi phí 1.5 tỉ đồng, mỗi năm tiết kiệm được 227.000 (KWh) điện, tương đương 752 triệu đồng, hoàn vốn sau 02 năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc cho biết “ để phát huy những ưu thế vượt trội của bộ điều khiển công suất, đồng thời thực hiện phát động của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hành tiết kiệm, Công ty chúng tôi đã trình các đơn vị liên quan đề án nhằm triển khai ở các tuyến phố trọng điểm trong năm 2013”.
Mong rằng, với sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành, các tuyến đường của thành phố Bảo Lộc sẽ được đầu tư đúng mức và đạt các tiêu chuẩn về đô thị. Cũng xin nhấn mạnh, mỗi năm Bảo Lộc cần khoảng 1.000 tỉ đồng cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị và hình thành các phân khu chức năng. Chính vì vậy “việc huy động, sử dụng và quản lý nguồn vốn trong quy hoạch phải thật hiệu quả, nếu không thì tất cả những quy hoạch hiện có sẽ không hiệu quả” - Ông Lê Quang Trung, Trưởng phòng quản lý đô thị Bảo Lộc nói.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng