Đăng bởi Theo vietnamnet.vn | 07:54 | 15/08/2011
Nụ cười là một ngôn ngữ mà ngay cả đứa trẻ sơ sinh cũng có thể hiểu được” – Tôi vẫn nhớ câu châm ngôn của phương Tây đó. Nhưng đôi khi, tôi không tin lắm. Cho đến một ngày tôi gặp chị.
Năm tôi học cấp 3, 14 tuổi, tôi phải học cách sống xa nhà. Cuộc sống ở trường Chuyên lắm lúc khắc nghiệt nghẹt thở vì những đua chen và thành tích. Môi trường ký túc xá cũng quẩn quanh như vậy, khiến một nụ cười thật lòng, hiếm hoi vô tận.
Ngày ấy, tôi rất mít ướt. Xa nhà, học hành căng thẳng nhưng nước mắt lúc nào cũng vòng quanh. Mặc dù nhà tôi gần như xa trường nhất, nhưng tôi lại là người chăm về nhà nhất vào dịp cuối tuần. Người bạn tâm giao của tôi lúc đó, có hai thứ, những lá thư và những cuộc điện thoại ngoài bưu điện.
Tôi thèm khát cảm giác được cầm trên tay những lá thư được gửi từ Hà Nội, của chị và cháu. Mặc dù chúng tôi giống như hai con hổ chung một chuồng khi ở nhà, nhưng xa nhau, tình máu mủ khiến tôi trở nên yếu đuối, tôn thờ chị đến lạ.
Tôi chăm chỉ đều đặn ra bưu điện, một bưu điện nhỏ nằm ở bên góc trái khu ký túc xá, chỉ có 2 nữ nhân viên chừng hơn 30 tuổi. Một trong số họ, vẻ mặt luôn nghiêm nghị, một thì rất tươi cười, niềm nở. Tôi thích cái chị niềm nở hơn, bởi trong tâm trí của một kẻ xa nhà yếu đuối, một cái nhíu mày, cau có hay trách móc, cũng khiến tôi dễ trực trào nước mắt.
Có lần, tôi nói thật với chị suy nghĩ của mình, chị cười bảo “Em đừng nghĩ nghiêm nghị là khó tính, chị ấy ít cười, nhưng không phải là chị ấy không niềm nở”. Tĩnh lặng quan sát, cái chị tôi cho là khó tính, cũng không hẳn khó như tôi từng cảm nhận. Chị vẫn rất nhẹ nhàng với khách, nhưng chỉ kiệm cười. Nhưng dầu sao, tôi vẫn thích cái chị hay cười và dù, chỉ hỏi han nhau khi tôi đi nhận thư hay gọi điện, nụ cười của chị, khiến tôi nhẹ lòng và ấm áp kỳ lạ.
Khi cuộc sống ở Hà Nội bắt đầu những năm tháng sinh viên, tôi không phải sống xa nhà nữa. Ba mẹ theo tôi lên Hà Nội, sống cùng với chị và tôi. Không còn những lá thư hay những cuộc điện thoại tâm giao như xưa. Tôi cũng dần quên hai chị.
Ở Hà Nội, xô bồ, ồn ào và náo nhiệt, hợp với con người thích xê dịch và học báo chí như tôi.. Tôi có điện thoại cầm tay, tôi viết thư điện tử… lâu dần, với môi trường Internet, tôi chẳng có dịp bước chân vào bưu điện. Lâu lâu, tôi chỉ nghĩ, nếu cuộc sống cứ mang nụ cười của chị nhân viên bưu điện đó, cuộc sống sẽ niềm nở biết bao.
Lớn lên, tôi hay rơi vào cảm giác rờn rợn mỗi khi phải nghĩ tới chuyện mình có công việc gì đó liên quan đến những việc hành chính tại một số cơ quan công quyền… Bởi cái vẻ lạnh lùng, khinh khỉnh của kẻ nắm trong tay chút quyền lực và cái vẻ khúm núm, sợ sệt, nịnh nọt của người đi xin, đi khám bệnh làm tôi bị sợ lây. Những bộ mặt đằng đằng sát khí, trực quát mắng đó đối nghịch với những nội quy đón tiếp khách niềm nở, thân thiện được dán ở khắp mọi nơi. Nếu có ai đó cười hỉ hả, đi lại một cách nhanh chóng qua các cửa thủ tục hành chính, thì ắt hẳn, họ phải đang được một lợi lộc gì đó. Tôi lại nhớ nụ cười của chị, không chút lợi lộc hay suy tư
Tôi có cậu em khá thân làm stylish ở Sài Gòn, rất nghiện quán xá và coi đó là nơi làm việc nhiều hơn là văn phòng. Cậu nói, rất sợ ngồi quán xá ở Hà Nội. Bởi sự cảnh vẻ, khinh khỉnh, lạnh te trong văn hóa phục vụ của người Hà Nội khiến cậu hay bị lạnh gáy, không dám ngồi lâu và cũng chẳng dám xin vài cốc nước lọc.
Kỳ lạ thay, khi phương Tây nâng cao văn hóa phục vụ, từ người mở cửa đến người dọn đồ, cũng niềm nở, nhiệt tình… thì ở ta, cháo chửi, bún mắng… lại đắt khách nghẹt thở. Và cái vẻ tự tôn đó, khiến họ càng trở nên ngoa ngoắt, coi khách như ăn xin giữa thời kỳ dịch vụ đang mọc lên như nấm. Văn hóa ứng xử mang tính số đông ấy khiến nhiều lúc, tôi cảm thấy là lạ, ngượng ngượng mỗi khi bước chân vào chốn nào mà nhân viên hay người phục vụ niềm nở, cười từ xa. Lúc ấy, tôi thấy mình quê lắm, vì không quen, dù tôi rất tươi cười chào lại.
Tôi nghĩ, nụ cười, mở đầu là sự thân thiện và kết thúc, nó là sự hài lòng. Người Thái từng có thời gian chọn nụ cười để làm slogan cho ngành du lịch. Mới đây, thần tượng “Vườn sao băng” Kim Hyun Joong khiến fan hâm mộ Việt Nam bất bình, thất vọng, thậm chí là tẩy chay khi bị cho là “tiết kiệm” nụ cười khi đến Việt Nam… Thế mới hiểu, sức mạnh công phá của nụ cười.
Tôi hay chọn cách niềm nở, cười tươi mỗi khi làm gì đó, gặp một ai, và ngay cả nếu có vô tình bị đụng nhẹ xe nhau ở trên đường. Tôi thích cười, thích những người biết cười.
Cách đây không lâu lắm, tôi có dịp được dự lễ khởi động chương trình “Nụ cười VNPT” của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tôi bất giác nhớ tới chị có nụ cười đẹp năm học cấp 3
Chọn nụ cười để làm cơ sở cho xây dựng văn hóa doanh nghiệp với ngành làm dịch vụ, có lẽ đó là lời giải thông minh trong sự cạnh tranh như vũ bão của thị trường viễn thông và công nghệ thông tin hiện nay. Vì thế, với mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, chuẩn hoá các hoạt động giao tiếp, hình ảnh đối thoại với khách hàng, xây dựng phong cách ứng xử thể hiện nét đẹp văn minh, văn hoá doanh nghiệp, “Nụ cười VNPT” sẽ làm nên những kỳ tích cho ngành dịch vụ của VNPT.
Lúc này, nụ cười không chỉ là nụ cười cơ học nữa, không chỉ đơn giản là niềm nở, thân thiện với khách hàng, mà còn biết lắng nghe, phục vụ tốt nhất như mong đợi của khách hàng, biết cảm ơn hay xin lỗi nếu khách hàng chưa hài lòng…
“Nụ cười là cách tốt nhất nâng cao hình ảnh của bạn” - Tôi cũng nghĩ vậy. Hãy bắt đầu từ nụ cười, để thấy con người và cuộc sống của mình tươi đẹp, thân thiện hơn
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng