Đăng bởi Theo tuoire.vn | 02:35 | 28/04/2011
Tôi vốn là con nhà nông. Cuộc sống chật vật thời thơ ấu đã cho tôi thấy rõ, bất cứ cái gì tăng giá cũng đều khiến cho cuộc sống của những người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng, dù ít dù nhiều.
Thế nhưng, với vấn đề tăng giá điện, trong khi nhiều ý kiến tỏ ra phản đối, tôi lại nghĩ là nên có cách xem xét khác. Có vẻ như, nhiều người trong chúng ta vẫn còn bị tư tưởng bao cấp chi phối hơi nhiều cho dù thời tem phiếu đã qua ¼ thế kỷ rồi.
Khi giá điện tăng vài trăm đồng một kw, nhiều người kêu trời kêu đất. Nhưng hễ có điện và điện giá rẻ thì chính họ lại dùng “thả phanh”, như thể đó là một nguồn tài nguyên từ trên trời rơi xuống.
Có vẻ như với một bộ phận không nhỏ bà con mình, việc tắt chiếc ti vi, cái bóng đèn hay quạt điện đang hoạt động khi ra khỏi phòng là một điều gì đó hết sức khó nhớ. Thế nên, nếu bạn vào một gia đình nào đó, thấy một chiếc ti vi đang bật mà không một ai xem, thấy chiếc quạt đang quay vù vù mà không ai ở đó... thì cũng giống như bạn đang được chứng kiến một chuyện rất bình thường.
Thậm chí, việc dùng điện hoang phí còn được đưa ra làm một chuẩn cho sự hào phóng trong chi tiêu. Tôi nói vậy là khi về quê, thấy người họ hàng của mình chê bai ông nọ bà kia một tháng chỉ dùng hết 10 số điện, và kết luận đó là keo kiệt.
Thương lắm người dân quê tôi, phải bóp mồm bóp miệng chi tiêu mà còn như vậy, huống hồ các cơ quan nhà nước, nơi tiền điện chỉ là tiền “chùa”, không ai phải trực tiếp móc ví mình ra để trả.
Tôi đã rất, rất nhiều lần chứng kiến, ngay trong mùa hè năm ngoái, lúc cả nước thiếu điện trầm trọng, phải cắt điện luân phiên, thậm chí ở vùng nông thôn, người dân phải chịu cảnh hàng tuần không có điện, thì tại các cơ quan nhà nước, mỗi khi không cắt điện, tất cả máy lạnh, máy vi tính, đèn điện đều được bật lên cho dù trong phòng có người hay không.
Thậm chí, bật máy lạnh rồi mà còn phải bật thêm quạt điện, để cho thỏa những lúc bị cắt điện luân phiên!
Chúng ta từng biết chuyện một ông thầy tố cáo gian lận thi cử khiến quy chế thi tốt nghiệp THPT nghiêm ngặt hơn. Ông thầy ấy bị phụ huynh học sinh đến dọa giết vì là nguyên nhân gián tiếp khiến con họ thi trượt. Việc dùng điện lãng phí tuy có nội dung khác xa nhưng hệ lụy lại rất gần câu chuyện giáo dục ở trên.
Có vẻ như, nhiều người chỉ biết nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nhìn thấy cái lợi lâu dài. Không hiếm người điện rẻ thì dùng thoải mái mà không cần tiết kiệm nhưng lại rất giỏi kêu ca nếu vì lí do nào đó mà điện phải tăng giá.
Vẫn biết rằng , những bất cập của ngành điện khiến cho điện tăng giá là một điều khó chối cãi. Nhưng có lẽ, việc bớt bao cấp giá điện cũng là một cách để một phận không nhỏ người dân xem xét lại ý thức của mình trong việc sử dụng nguồn năng lượng này.
Đã đánh giá xong. Cảm ơn bạn đã đánh giá cho bài viết
Đóng